Giải ngân vốn đầu tư công hết tháng 4 vẫn đạt thấp, ước gần 18,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao
Liên quan đến tiến độ giải ngân tổng kế hoạch vốn năm 2022, Bộ Tài chính cho biết, tổng kế hoạch là 567.318,055 tỷ đồng, bao gồm kế hoạch vốn kéo dài các năm trước sang năm 2022 là 7.218,011 tỷ đồng, kế hoạch vốn giao trong năm 2022 là 560.100,044 tỷ đồng (không bao gồm 24.000 tỷ đồng vốn Chương trình mục tiêu quốc gia chưa được Thủ tướng Chính phủ giao).
Ước thanh toán kế hoạch vốn năm 2022 từ đầu năm đến hết ngày 30/4 là 95.981,27 tỷ đồng, đạt 16,92% kế hoạch.
Về giải ngân vốn kế hoạch các năm trước kéo dài sang năm 2022, ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/4 là 256,78 tỷ đồng, đạt 3,56% kế hoạch.
Một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Ngân hàng Chính sách xã hội (91,12%), Ngân hàng phát triên (59,64%), Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (48,86%), Ngân hàng nhà nước Việt Nam (35,76%), Bình Thuận (33,9%), Phú Thọ (33,4%)
Tuy nhiên, có tới 43/51 bộ và 28/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 17%, trong đó, có 17 bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn.
Phân tích nguyên nhân tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn 3 tháng và ước 4 tháng đầu năm 2022 đạt thấp, Bộ Tài chính cho rằng, lãnh đạo của một số bộ, ngành, địa phương chưa quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác giải ngân vốn đầu tư công.
Cần cơ chế đặt hàng, tư nhân góp sức đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công
Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội, Việt Nam có một nghịch lý. Trong khi thiếu thốn các công trình hạ tầng, vốn đầu tư cũng rất khó khăn, thế nhưng hầu như vốn đầu tư công chưa năm nào tiêu hết, tức có tiền lại không tiêu. Cùng với đó, có một bệnh lý khi nhiều địa phương, bộ ngành giải ngân 100% từ rất sớm, nhưng vẫn tồn tại nhiều địa phương, bộ ngành lại tỷ lệ thấp.
Trong năm 2020, 2021, Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt, quy trách nhiệm người đứng đầu các bộ ngành, các địa phương nếu không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân theo kế hoạch chỉ khoảng 77%. Trong đó, vốn vay nước ngoài giải ngân rất chậm, nhất năm 2021, tính ra tỷ lệ giải ngân ODA khoảng 28%. Còn con số cuối cùng Bộ Tài chính báo cáo lên đến 93% là do sau khi Chính phủ thúc đẩy, các bộ, cơ quan trung ương, các địa phương xin điều chỉnh, điều chuyển, xin trả lại vốn.
Bên cạnh đẩy nhanh vốn đầu tư công, làm sao để đầu tư công trở thành "vốn mồi" thu hút đầu tư tư nhân.
Thời gian qua, đầu tư theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao) - “đổi đất lấy hạ tầng” là mảnh đất màu mỡ, dễ dàng thu hút nhà đầu tư tư nhân nhưng lại nảy sinh nhiều tiêu cực, tham nhũng, vì vậy sớm bị khai tử. Trong khi đó, các dự án BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) những năm gần đây gần như "đóng băng".
Điển hình, từ chỗ có 8/11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), đến nay, chỉ có 3 dự án đầu tư theo hình thức này, còn lại phải sử dụng vốn ngân sách. Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 cũng đầu tư công toàn bộ, thay vì triển khai theo hình thức PPP, một phần do thất bại trong kêu gọi đầu tư BOT các dự án của tuyến cao tốc này giai đoạn trước đó.
Nếu không có phương thức tốt hơn để khai thác các nguồn lực từ khu vực tư nhân sẽ khó để biến đầu tư công thành "vốn mồi". Vì vậy, ông Cường cho rằng, cần gợi mở cơ chế cho đầu tư tư nhân rõ ràng hơn. Có lẽ cũng cần phải có một cơ chế đặt hàng đối với đầu tư tư nhân.
Chẳng hạn, trong khi Việt Nam phải vay hàng tỷ USD xây đường sắt đô thị, lại phải thuê nhà thầu nước ngoài xây dựng và khi làm xong, phụ thuộc hoàn toàn từ máy móc, thiết bị, con tàu đến con ốc của nước ngoài. Tại sao không vay tiền về đặt hàng cho những tập đoàn tư nhân trong nước, vừa tạo lập thêm một ngành công nghiệp đường sắt, vừa tạo ra một hệ thống đường sắt đô thị đồng bộ và giúp phát triển các tập đoàn mạnh trong nước?
X88 Yuanta Tổng hợp
Nguồn: Vneconomy
Comments
Post a Comment