Dựa theo triết lý đầu tư của Ngài Graham và Ngài W.B, tôi xin giới thiệu bố cục mẫu bao gồm những khía cạnh cần phân tích khi tìm hiểu và đánh giá một doanh nghiệp. Đây là bố cục mà tôi học hỏi được chứ không phải do tự sáng tạo ra, hy vọng sẽ giúp ích cho các độc giả đang không biết bắt đầu tìm hiểu về doanh nghiệp mình yêu thích từ đâu và như thế nào cho toàn diện.
Ngoài những thông tin chung về tình hình cổ phiếu niêm yết bao gồm những thông tin cơ bản như giá thấp-cao 52 tuần (1 năm), SLCP đang lưu hành, Vốn hóa thị trường, thanh khoản trung bình 10 phiên hay vốn chủ sỡ hữu,... Những thông tin này nên được quan tâm trước khi bước vào quá trình deep due diligence vì chúng sẽ là công cụ để nhà đầu tư liên kết những thông tin, và nắm bắt được tình hình thị giá cổ phiếu trước khi đi tìm giá trị thực của nó.
Những khía cạnh cơ bản nhất cần tìm hiểu trong quá trình phân tích doanh nghiệp bao gồm:
1. Business model: Mô hình kinh doanh của doanh nghiệp
Đây là một khía cạnh tương đối dễ để tìm hiểu vì hầu hết thông tin nằm ở dạng chữ và được thể hiện đầy đủ thông qua website công ty hoặc báo cáo thường niên của doanh nghiệp.
Một cách khái quát, người phân tích cần nắm được hoạt động mà doanh nghiệp đang vận hành để kiếm tiền; Những chuyển biến quan trọng trong lĩnh vực HĐKD (xây nhà máy, đầu tư vào lĩnh vực mới,...); Điểm mới lạ trong hoạt động kinh doanh của DN so với đối thủ thứ mà có thể là yếu điểm hoặc trở thành năng lực cạnh tranh của DN; Khái quát về lịch sử hình thành và phát triển của DN nếu có nhiều thời gian,...
Những nội dung này độc giả có thể tìm thấy ở báo cáo thường niên hằng năm của DN và các loại văn bản phục vụ cổ đông khác trong phần quan hệ cổ đông (trên website DN).
2. Moats and prospects: Lợi thế cạnh tranh và tiềm năng tương lai
Khái niệm Moats - con hào kinh tế, quý độc giả có thể hiểu nôm na là những lợi thế cạnh tranh đến từ bản chất HĐKD của doanh nghiệp.
Bao gồm: Lợi thế về nguồn nguyên liệu, lợi thế về công nghệ, lợi thế về thương hiệu hay về sản phẩm hoặc con người,...Để nhận diện được những lợi thế cạnh tranh này, người phân tích cần hiểu rõ về mô hình kinh doanh của DN và cả đối thủ cạnh tranh cũng như tổng quan ngành nghề của DN.
Prospects - tiềm năng tương lai - ở phần này độc giả cần trả lời được câu hỏi Liệu với mô hình kinh doanh như hiện tại, lợi thế cạnh tranh sẵn có DN có thể có những tiềm năng tăng trưởng như thế nào? Có những độc giả có business sense nhạy bén có thể sẽ rất nhanh nhạy trong phần này, đôi lúc những nhà đầu tư cá nhân còn nhận diện tiềm năng của DN tốt hơn ban lãnh đạo (điều này đôi lúc vẫn xảy ra). Ngoài ra, đối với những DN có kế hoạch kinh doanh mới, quy mô lớn thì việc đánh giá tính khả thi và tác động của kế hoạch lên tình hình tài chính của DN là điều cần thiết.
3. Finance and Management: Tình hình tài chính và quản trị
Tình hình tài chính: kỹ năng đọc BCTC là tối cần thiết đối với quý độc giả khi muốn phân tích tình hình tài chính của DN. Hiểu càng sâu về BCTC thì độc giả càng có cái nhìn thấu đáo về tình hình tài chính của công ty đang phân tích. Nhưng cơ cấu tiền mặt trên tài sản, chỉ số về nợ, tình hình chi trả cổ tức, khấu hao là những thứ cần chú ý và dễ dàng nhìn thấy được.
Management: Cô cấu cổ đông và ban lãnh đạo là khía cạnh nên tìm hiểu kỹ, việc làm này không có nhiều yếu tố chuyên môn về tài chính mà chỉ đơn thuần là kinh nghiệm và khả năng đánh giá con người mà thôi. Việc tìm hiểu về lịch sử DN có thể là hệ tham chiếu tốt để đánh giá về ban lãnh đạo doanh nghiệp.
4. Margin of Safety: Biên độ an toàn
Thuật ngữ vàng mà B.Graham đã tạo ra và trở thành nguyên tắc bất di bất dịch của nhiều thế hệ đầu tư giá trị, kể cả là Warrent Buffet. Biên độ an toàn của Graham là chênh lệch giữa giá cổ phiếu và giá trị nội tại của nó. Về lý thuyết, giá cổ phiếu càng thấp hơn giá trị nội tại của nó, thì biên độ an toàn trước sự không chắc chắn trong tương lai càng lớn và khả năng phục hồi của cổ phiếu đối với sự suy thoái của thị trường càng lớn.
Warren Buffett đã định nghĩa mức độ an toàn là “mua 1 đô la được 50 xu”. Buffett nói... “Bạn cũng phải có kiến thức để có thể ước tính tổng quát về giá trị của các doanh nghiệp cơ bản. Nhưng bạn không thế cho ra một đáp số chính xác được và sự thật là không ai có thể làm điều đó. Đó là lý do của Ben Graham khi đề ra nguyên tắc biên độ an toàn trong đầu tư. Bạn đừng cố mua các doanh nghiệp trị giá 83 triệu đô la với giá 80 triệu đô la. Bạn để lại cho mình một khoản tiền rất lớn.”
Đối với những người khác nhanh, biên độ an toàn cũng sẽ khác nhau. Có thể là 25% (tức giá cổ phiếu thấp hơn giá trị thực 25%) đối với W.B, có thể là 50% hoặc 100%. Đối với những người mới tiếp cận phương pháp, thì biên độ an toàn nên là 50-100%, vì như vậy mới đủ để bù đắp sai số cho những nhà phân tích còn “non nớt”.
Tất nhiên, bạn đọc có thể cũng đã nhận ra điều quan trọng ở đây không phải là nguyên tắc 25 50 hay 100 mà là cách để tìm ước tính tổng quát giá trị thực của một công ty.
What do we miss?
Trong quá trình phân tích nhà đầu tư ắt hẳn sẽ không tránh khỏi những sai lầm hay thiếu sót. Một thói quen của tôi sau khi phân tích tổng quan những khía cạnh của doanh nghiệp đó là sẽ đi qua thêm 1 bước “What do we miss?” để rà soát thông tin về doanh nghiệp lại một lần nữa bao gồm cả những tin đồn, thông tin chưa chính thống về doanh nghiệp
Ngoài ra, phân tích kỹ thuật cũng được tôi xem như là một yếu tố để đánh giá tình trạng, cá tính của cổ phiếu cũng như ban lãnh đạo trước khi đầu tư và là yếu tố để lựa chọn thời điểm thích hợp mua vào cổ phiếu. Đây là điểm khắc biệt và là yếu tố thích nghi tốt nhất với đặc điểm thị trường chứng khoán Việt Nam vốn mang nặng tính chu kỳ và tôi sẽ chia sẻ kỹ hơn về điều này trong một ngày không xa.
Tổng kết
Dựa vào những khía cạnh cơ bản trên, đọc giả có thể thực hiện quá trình deep due diligence (thẩm định chuyên sâu), tránh việc tìm hiểu lan man hoặc không biết bắt đầu từ đâu. Về lâu dài, khi đã đủ chín chắn, quý độc giả sẽ tự mình hoàn thiện những khía cạnh mà bản thân cho là cần thiết khi đánh giá 1 DN.
Comments
Post a Comment